Giỏ hàng của bạn trống!
Lối ra cho điện mặt trời mái nhà
Không lý gì một quốc gia giàu tiềm năng điện tái tạo như Việt Nam lại phải mãi nhập khẩu điện thay vì phát triển điện mặt trời mái nhà.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, sáu tháng đầu năm 2021, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 128,51 tỷ kWh, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) huy động đạt 14,69 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 11,4%. Riêng điện mặt trời mái nhà, đến 14/12/2021 đã có 104.282 dự án được lắp đặt, tổng công suất 9.580 MWp, sản lượng phát lên lưới hơn 3,57 tỷ MWh. Nếu giá lắp đặt điện mặt trời mái nhà trung bình 12 triệu đồng/kWp thì tổng số tiền đầu tư đã gần 115 nghìn tỷ (tương đương khoảng 5 tỷ USD), khoảng 1,1 tỷ đồng cho một công trình.
Số liệu trên cho thấy, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà lớn là vậy, nhưng thực tế sản lượng phát lên lưới lại không cao, vì khi trời không nắng thì điện mặt trời cũng không có. Nếu có nắng tốt, như tại các tỉnh Nam Trung bộ, thì số giờ nắng trung bình trong năm cũng chỉ khoảng 6,3 giờ/ngày. Thực tế, số giờ nắng có thể lên tới 10 giờ, với cường độ bức xạ mặt trời khác nhau. Ở Việt Nam, trung bình có khoảng 4-5 giờ nắng mạnh trong một ngày, giúp hấp thu bức xạ tối đa cho các tấm pin năng lượng mặt trời.
Công suất lắp đặt điện mặt trời được tính bằng MWp hoặc kWp hay gọi là công suất đỉnh, có được khi mặt trời bức xạ (nắng) cao nhất trong ngày. Theo lý thuyết, trong điều kiện tiêu chuẩn về bức xạ, nhiệt độ môi trường, mỗi kWp sẽ cho sản lượng điện tương đương 1.000 kWh một năm. Để tính kWh điện được tạo ra của hệ thống pin mặt trời 1 kWp, ta lấy 1kWp x (số giờ nắng/ngày). Ví dụ, một ngày có 5 giờ nắng, thi trung bình 1 kWp tạo ra khoảng 5 kWh điện/ngày. Một tháng hệ thống pin mặt trời 1 kWp sẽ tạo được 150 kWh điện (150 số điện).
Hiện nay, đa phần dự án, nhất là điện mặt trời mái nhà công suất nhỏ của các hộ gia đình đều dùng bộ biến tần (inverter) hòa lưới, lại không có bộ trữ điện. Có nghĩa là khi điện lưới mất hoặc không được đấu nối vào lưới điện công cộng thì điện mặt trời mái nhà cũng không thể hoạt động, cho dù trời nắng các tấm pin năng lượng mặt trời vẫn có thể phát điện nhưng lại phải chạy không tải. Tình trạng này dẫn đến nhiều dự án, công trình điện mặt trời mái nhà không kịp hoàn thành, lên lưới trước 1/1/2021, không thể đi vào hoạt động, gây lãng phí rất lớn.
Hiện, tôi được biết Công ty điện lực TP HCM và miền Nam vẫn linh hoạt cho các công trình điện mặt trời mái nhà đã khởi công nhưng chưa kịp hoàn thành trước 1/1/2021 vẫn được nối lưới, hoạt động, với điều kiện không được ghi nhận sản lượng điện phát lên lưới. Nếu đúng vậy, chủ đầu tư, chủ nhà cũng phần nào được bù đắp với việc tự dùng điện mặt trời mái nhà của mình, không còn hoàn toàn phải mua điện lưới nữa.
Phần điện dư, dùng không hết sẽ lên lưới và được truyền tải tự nhiên trong phạm vi hẹp cho các nhà hàng xóm, liền kề. Ngành điện cũng được hưởng lợi từ sản lượng điện "tự nhiên" này. Như vậy, lưới điện tại các thành phố, khu dân cư tập trung được điều tiết cục bộ, tự nhiên, không gây quá tải trạm biến áp, lưới trung, cao áp.
Ví dụ, một thành phố cần hai triệu kWh điện một ngày, được cung cấp bởi đường truyền tải 220 KV từ các nhà máy điện ở xa, nay một số hộ gia đình đầu tư điện mặt trời mái nhà, cho sản lượng là 10.000 kWh chẳng hạn. Khi đó, đường truyền 220 KV cho thành phố đó và các máy biến áp cũng có thể được giảm tải 10.000 kWh vừa nêu trên. Tức là sẽ rất đỡ tốn kém trong việc phải liên tục nâng cấp hệ thống truyền tải, phân phối điện cho các thành phố, khu dân cư tập trung.
Trước khi phát triển điện mặt trời công suất lớn, một số nước đã ưu tiên lắp đặt điện mặt trời công suất nhỏ. Nhật Bản từ hơn 20 năm trước đã khuyến khích từng gia đình lắp đặt điện mặt trời công suất khoảng 3-7 kWp để tự dùng. Việc này rất hiệu quả, mang lại giá trị về mặt kỹ thuật và kinh tế lớn, khuyến khích người dân tự bỏ vốn đầu tư, đồng thời dễ lắp đặt bộ lưu trữ điện cho hệ thống điện mặt trời.
Câu hỏi đặt ra là, có nên khuyến khích đầu tư lớn điện mặt trời (kể cả điện gió) như vừa qua hay khuyến khích từng gia đình làm? Rất tiếc, ngành điện đã dừng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà. Lý do là bởi Quyết định số 13 ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam hết hiệu lực sau ngày 31/12/2020 và đến nay chưa có quyết định mới, hướng dẫn thực hiện tiếp theo của Bộ Công thương. Trong khi nhu cầu lắp đặt điện mặt trời mái nhà của hộ gia đình còn rất lớn, giá thành lắp đặt ngày càng hạ nhưng lại không thể triển khai.
Rõ ràng điểm nghẽn là không được đấu nối điện mặt trời mái nhà vào lưới của điện lực. EVN thông báo dừng tiếp nhận đấu nối và ký kết hợp đồng mua bán điện, chứ không cấm lắp điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, nếu đầu tư, lắp đặt mà không được nối lưới thì chỉ còn cách phải có bộ lưu trữ điện và một số thiết bị kỹ thuật khác để điện mặt trời mái nhà hoạt động độc lập. Cách làm này đẩy giá thành lắp đặt điện mặt trời mái nhà lên rất cao, không kinh tế.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài lý do cơ chế, vướng mắc thực tế là ngành điện không đủ công tơ (đồng hồ đo đếm) điện hai chiều để đấu nối điện mặt trời mái nhà vào lưới công cộng. Thiết nghĩ, với năng lực hiện tại, EVN hoàn toàn đủ khả năng sản xuất, chế tạo, bên cạnh đó là các doanh nghiệp sản xuất khác trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu chắc chắn cũng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường về các thiết bị vừa nêu.
Quy hoạch điện VIII đã điều chỉnh tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo so với tổng công suất lắp đặt toàn quốc, đến năm 2030 là 24,3-25,7% và đến năm 2045 là 26,5-28,4%. Hy vọng, trong vài ba năm tới phát triển công nghệ năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời, sẽ cho ra đời tấm pin (PV) năng lượng mặt trời mới, hiệu suất cao hơn, biến tần đa năng và những bộ lưu trữ công suất lớn, với giá thành rẻ hơn.
Nhiều ôtô điện (EV) được đưa vào lưu hành sẽ tiêu thụ lượng điện rất lớn nhưng cũng có thể góp phần cân bằng CS lưới, bằng cách sạc điện cho EV vào giờ thấp điểm, xả ngược lên lưới vào giờ cao điểm. Những thiết bị sạc ô tô điện thông minh V2G, như V2H, V2B, V2L, V2X... đang là mục tiêu nhiều nước phát triển hướng tới "giao thông xanh".
Không có lý do gì để một quốc gia giàu tiềm năng điện tái tạo như Việt Nam lại phải mãi nhập khẩu điện. Dù sao đi nữa, ngành điện vẫn là quan trọng nhất trong bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, góp phần đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của nước ta.
Tin liên quan
- Ai Cập lần đầu tiên triển khai thị trường bán buôn điện Mặt trời
- Bị cắt giảm 40% công suất của nhà máy điện mặt trời lớn nhất Việt Nam, Trung Nam nói gì?
- Các nước châu Á tiết kiệm chi phí nhiên liệu nhờ năng lượng Mặt Trời
- Dừng mua 172MW điện mặt trời, EVN và Trung Nam chưa có tiếng nói chung
- Giải pháp nào để phối hợp vận hành tốt lưới truyền tải điện?