Mở cửa 8:00-17:30: Thứ 2 - Thứ 7

Đề xuất cơ chế chuyển tiếp cho dự án điện gió, mặt trời lỡ hẹn giá FIT

Dự án điện gió, mặt trời chưa kịp vận hành thương mại (COD) để hưởng giá FIT ưu đãi, sẽ có cơ chế chuyển tiếp là đàm phán giá mua bán điện trực tiếp với EVN.

Đây là đề xuất được Bộ Công Thương nêu trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, về cơ chế xác định giá bán điện gió, mặt trời với các dự án chuyển tiếp.

Cơ quan này cho biết, nhiều dự án điện gió, mặt trời trong quy hoạch điện lực, đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) và các nhà đầu tư đã rót vốn vào lĩnh vực này, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau đã không kịp mốc thời gian được hưởng cơ chế giá FIT. Với điện gió là dự án không kịp vận hành thương mại trước 31/10/2021 để hưởng giá FIT, còn điện mặt trời là trước 31/12/2020.

Cho rằng cần có cơ chế xác định giá bán điện phù hợp, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng cho phép chủ đầu tư được đàm phán với EVN để xác định giá mua bán điện. Giá đàm phán nằm trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành và ký hợp đồng mua bán điện với EVN.

Điều kiện là các dự án có trong quy hoạch được phê duyệt, đã có chủ trương đầu tư tính đến 26/1/2022 và chưa đủ điều kiện áp dụng giá FIT theo quyết định 13, 39.

Một dự án điện gió tại Sóc Trăng không kịp vận hành COD đúng hạn. Ảnh: Phùng Anh

Một dự án điện gió tại Sóc Trăng không kịp vận hành COD đúng hạn. Ảnh: Phùng Anh

Bộ này cũng đề nghị được giao xây dựng, ban hành Thông tư về phương pháp xây dựng khung giá phát điện, hợp đồng mua bán điện với các dự án nhà máy điện gió, mặt trời thuộc diện chuyển tiếp.

Chia sẻ với VnExpress, lãnh đạo Cục Điện lực & năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương cho biết, khung giá phát điện cho năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) sẽ được xây dựng tính toán trên cơ sở tổng mức đầu tư, chi phí vận hành bảo dưỡng, sản lượng điện...

"Khung giá điện này sẽ là mức giá tối đa. Bên bán (chủ dự án) và bên mua điện (EVN) sẽ đàm phán trực tiếp và giá mua điện phải nằm trong khung giá này. Tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) cho các dự án đang được dự kiến là 12%", ông thông tin.

Trước đó, các nhà đầu tư điện gió có dự án chưa kịp vận hành thương mại trước tháng 10/2021 chia sẻ lo lắng nguy cơ phá sản vì thiệt hại và các khoản vay đến hạn phải trả ngày một lớn. Theo các chủ đầu tư, nếu Chính phủ, Bộ Công Thương không gia hạn thêm thời gian vận hành thương mại, không "cấp cứu kịp thời" thì con đường đến với thua lỗ, phá sản của nhà máy điện gió đang rất gần.

Cũng trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương đề nghị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo các địa phương dừng cấp chủ trương đầu tư với dự án điện gió, mặt trời đã có trong quy hoạch nhưng chưa triển khai xây dựng, thi công đến thời đểm ngày 26/1/2022. Việc này để chờ kết quả rà soát trong quá trình hoàn thiện quy hoạch điện VIII.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng công suất dự án điện gió được bổ sung quy hoạch là 11.921 MW. Có 146 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA), tổng công suất hơn 8.171 MW.

Từ năm 2011 đến hết 31/10/2021 đã có 84 dự án, phần dự án vận hành thương mại (COD), tổng công suất hơn 3.980 MW. Trong số này, 15 dự án COD một phần, công suất 325,15 MW. Số còn lại chưa có COD là 1.031,1 MW.

Với điện mặt trời, công suất dự án bổ sung quy hoạch 15.400 MW, đã có 148 dự án vận hành thương mại, công suất 8.653 MW.

Bạn đang xem: Đề xuất cơ chế chuyển tiếp cho dự án điện gió, mặt trời lỡ hẹn giá FIT

Đăng ký tư vấn

Gửi thông tin để được hỗ trợ tư vấn nhanh nhất