Mở cửa 8:00-17:30: Thứ 2 - Thứ 7

Kỳ vọng về 'làn sóng' sản xuất xanh

TTO - Chuyển đổi sang năng lượng sạch không chỉ là cam kết chính trị và môi trường. Đó còn là xu hướng tất yếu để các nước như Việt Nam thu hút đầu tư.

 

Kỳ vọng về làn sóng sản xuất xanh - Ảnh 1.

Hệ thống điện năng lượng mặt trời được đầu tư đã phát huy hiệu quả tại Khu công nghiệp VSIP 1, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương - Ảnh: B.S.

Trước thông tin Samsung Electronics có kế hoạch gia nhập RE100 (các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, với mục tiêu chuyển đổi sang 100% năng lượng tái tạo đến năm 2050) hay việc Tập đoàn sản xuất đồ chơi trẻ em Lego của Đan Mạch nhận giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy 1 tỉ USD tại tỉnh Bình Dương với cam kết sản xuất xanh, dư luận bắt đầu rục rịch hy vọng vào một quy trình phát triển mới tại Việt Nam.

Điện mặt trời đáp ứng 100% nhu cầu

Dự kiến nửa cuối năm 2022, một nhà máy "khổng lồ" trên diện tích tới 44ha sẽ chính thức được khởi công tại Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore (VSIP) 3 (thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Đây là một trong những nhà máy đầu tiên của cả nước sẽ đáp ứng 100% nhu cầu điện từ năng lượng mặt trời, là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của chủ đầu tư là Lego.

VSIP 3 là KCN mới nhất của tỉnh Bình Dương, được kỳ vọng trở thành "KCN xanh" và bền vững của cả nước. Tại KCN rộng khoảng 1.000ha này, chủ đầu tư sẽ xây dựng một "trang trại năng lượng mặt trời tại chỗ" rộng tới 50ha để cung cấp điện cho các khách hàng trong KCN. Ngoài ra, bản thân các nhà máy trong KCN cũng có thể tự triển khai hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà máy.

Ông Carsten Rasmussen - giám đốc vận hành của Tập đoàn Lego - chia sẻ rằng chính những kế hoạch của Chính phủ Việt Nam về đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng sản xuất năng lượng tái tạo và thúc đẩy hợp tác với các công ty đầu tư nước ngoài chất lượng cao là động lực để tập đoàn này quyết định xây dựng nhà máy tại đây.

KCN cũ cũng chuyển mình thay đổi

Không chỉ với các KCN mới mà ngay cả các KCN, nhà máy hiện hữu cũng được triển khai các hệ thống năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường. Việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo có cơ chế hợp tác, hỗ trợ giữa các doanh nghiệp một cách hiệu quả mà không phát sinh chi phí.

Ví dụ, tại nhà máy của Công ty II-VI Việt Nam (KCN VSIP 1, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương), hệ thống năng lượng mặt trời áp mái được đầu tư đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu điện của nhà máy. Ông Nguyễn Tấn Thành - tổng giám đốc công ty - cho hay việc triển khai dự án năng lượng mặt trời hoàn thành trong vòng chưa đầy hai tháng, đảm bảo an toàn, giúp nhà máy sử dụng nguồn năng lượng xanh mà không tốn bất kỳ chi phí nào.

Để có được hiệu quả trên là từ sự bắt tay của các nhà đầu tư hạ tầng KCN và các nhà máy. Từ năm 2020, Công ty cổ phần giải pháp năng lượng thông minh Việt Nam - Singapore (VSSES) được thành lập với sự hợp tác của các nhà phát triển hạ tầng KCN là Công ty liên doanh VSIP, Tổng công ty Becamex IDC (Việt Nam) và Tập đoàn Sembcorp Industries (Singapore). 

Các hệ thống năng lượng mặt trời sẽ được VSSES phối hợp cùng các doanh nghiệp sản xuất trong KCN để đầu tư, vận hành và bảo trì. Vì vậy các doanh nghiệp sản xuất sẽ không phát sinh chi phí mà có thể ổn định nhờ chủ động nguồn năng lượng tại chỗ và góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Leong Wei Lik - tổng giám đốc VSSES - cho biết bước đầu qua triển khai hệ thống điện mặt trời áp mái cho các doanh nghiệp sản xuất trong KCN đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Với hơn 10 hệ thống điện mặt trời đầu tiên đã tạo ra sản lượng điện hơn 9.000 MWh/năm và giảm phát thải khí CO2 hằng năm hơn 8.000 tấn, góp phần tiết kiệm chi phí năng lượng cho doanh nghiệp. 

"Ngoài ra, với việc sử dụng các nguồn năng lượng xanh còn giúp các doanh nghiệp sản xuất nâng cao uy tín, giá trị thương hiệu khi làm việc với các đối tác quốc tế", ông Leong Wei Lik nói.

Kỳ vọng về làn sóng sản xuất xanh - Ảnh 2.

Nhà máy Samsung trong Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Doanh nghiệp chuyển sang năng lượng tái tạo

Theo các chuyên gia, việc Tập đoàn sản xuất đồ chơi trẻ em Lego của Đan Mạch nhận giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy 1 tỉ USD tại tỉnh Bình Dương đã phần nào minh họa cho lợi ích từ cam kết môi trường nêu trên: cam kết giảm phát thải và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo có ý nghĩa kinh tế cho quốc gia, giữa bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu chuyển mình.

Các cam kết chống biến đổi khí hậu nay đã không còn là lời kêu gọi của giới khoa học. Sự tham gia của giới doanh nghiệp đã đưa cam kết này vào quá trình tái định hình và phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu. Ví dụ nổi bật nhất là sáng kiến RE100 của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, với mục tiêu chuyển đổi sang 100% năng lượng tái tạo cho đến năm 2050 mà các nguồn tin cho hay Samsung Electronics có kế hoạch gia nhập RE100.

Hiện Samsung chưa phản hồi chính thức và cũng chưa ai rõ điều này ảnh hưởng thế nào đến các nhà máy của Samsung trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, không khó để phần nào hình dung việc triển khai chuyển đổi sang năng lượng sạch của Samsung nếu nhìn vào chiến lược trước đây của hãng này tại Mỹ, Trung Quốc và châu Âu. Những thông tin này có thể trở nên hữu ích cho Việt Nam để đón đầu lợi ích từ Samsung, cũng như các tập đoàn toàn cầu với cam kết chống biến đổi khí hậu.

Vào tháng 6-2018, Samsung tuyên bố cam kết dùng 100% năng lượng sạch tại Mỹ, Trung Quốc và châu Âu cho tới năm 2020, đồng thời gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo trên toàn thế giới. Có 17 trong số 38 nhà máy sản xuất toàn cầu, văn phòng và tòa nhà của Samsung tập trung ở những nơi này. Samsung cũng cam kết sẽ đặt các tấm năng lượng mặt trời và nhà máy địa nhiệt tại cơ sở sản xuất ở Hàn Quốc, cũng như hỗ trợ các nhà cung ứng nâng mức sử dụng năng lượng tái tạo.

Đến tháng 3-2021, hãng này thông báo đã hoàn thành mục tiêu tại Mỹ, Trung Quốc và châu Âu thông qua việc thực hiện nhiều chương trình khác nhau như giấy chứng nhận năng lượng tái tạo (REC), chiến lược giá xanh, các hợp đồng mua bán điện và đầu tư trực tiếp.

Trong năm 2019, Samsung cho biết đã làm việc với các công ty lớn như Apple, eBay và Sprint để mua 75 MW điện gió và tiếp tục mua thêm 200 MW điện gió vào năm 2021. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn cho ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Đặc biệt là khi, theo bản đánh giá của Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace hồi tháng 6-2019, các cơ sở sản xuất cho hãng tại Hàn Quốc và Việt Nam vẫn chưa đóng vai trò lớn trong cam kết 2018 của Samsung.

Greenspace nhận xét các nhà máy của Samsung ở cả 2 quốc gia vẫn phụ thuộc lớn vào năng lượng hóa thạch và chiếm hơn 80% điện năng Samsung sử dụng vào thời điểm đưa ra cam kết. Với các cam kết và tiềm năng của mình, Việt Nam được cho đang ở vị thế tốt để hưởng lợi từ xu hướng "xanh hóa" của các doanh nghiệp toàn cầu.

Quang Định.

Bạn đang xem: Kỳ vọng về 'làn sóng' sản xuất xanh

Đăng ký tư vấn

Gửi thông tin để được hỗ trợ tư vấn nhanh nhất